Mục Lục

 

 

 

IX. PTF và Biến Cố Vịnh Bắc Việt

Trong thời gian Khu Trục Hạm Mađox của Hải quân Hoa Kỳ bị tấn công tại vịnh Bắc Việt, công tác của chiến hạm có lắm trùng hợp với những hoạt động của các PTF thuộc LLHT. Vì có nhiều dư luận cho rằng các PTF và chiến hạm Mađox đã phối hợp để khiêu khích Bắc Việt phải nhảy vào vòng hải chiến để Hoa Kỳ có cớ oanh tạc miền Bắc, chúng tôi tóm tắt một số diễn tiến liên hệ để độc giả có thể tự tìm câu trả lời.

1. Hoạt Động Của Khu Trục hạm Maddox

Sáng sớm ngày 31 tháng 7 năm 1964, Khu Trục Hạm Maddox (D-731) của Hải Quân Hoa Kỳ tới bờ biển Việt Nam, vùng ngang vĩ tuyến 17 để bắt đầu cuộc tuần tiễu dọc bờ biển Bắc Việt đặt tên làDesoto.

Tới trưa ngày 2/8, khi chiến hạm đang ở vị trí cách bờ chừng 18 hải lý và cách Hòn Mê chừng 10 hải lý thì bị 3 ngư lôi đĩnh Bắc Việt mang số T-333, T-336 và T-339 tấn công bằng ngư lôi. Kết quả cả 3 tầu Bắc Việt bị bắn hư hại nặng, Khu Trục Hạm Mađox không bị thiệt hại.

Sang ngày 3/8, Khu Trục Hạm Mađox được lệnh của Đô Đốc Johnson, Tư Lệnh Đệ Thất Hạm Đội tiếp tục cuộc tuần tiểu Desoto, nhưng lần này có thêm Khu Trục Hạm Turner Joy (Đ 971) tăng cường. Theo phúc trình của Hải Quân Hoa Kỳ, khoảng 2134G ngày 4/8, hai chiến hạm báo lại bị tầu Bắc Việt bị tấn công và bắt đầu khai hỏa vào lúc 2139G, lúc đó mục tiêu cách khoảng 8,000 yards. Sau này, có nhiều người cho rằng cuộc đụng độ lần thứ hai này không xảy ra.

2. Hoạt động của PTF trong thời gian có cuộc tuần tiễu Desoto

- Ngày 22/7/64, bốn chiến đĩnh gồm các PTF-3, PTF-4, PTF-5, PTF-6 chuẩn bị công tác đổ biệt kích đánh phá các trạm gác quân sự tại Hòn Mật và đài radar duyên phòng Vinh Sơn (gần hải cảng Bến Thủy, thành phố Vinh), nhưng công tác phá hoại bị thay đổi vào giờ chót vì không ảnh do phi cơ U-2 chụp vào lúc sáng sớm phát hiện 2 tầu Swatow của địch trong vùng Hòn Niếu và 3 chiếc khác tại vùng Hòn Mê nằm về phía Bắc của mục tiêu chừng 50 hải lý. Tuy nhiên, các PTF vẫn lên đường với nhiệm vụ tuần thám vùng duyên hải và chuẩn bị hải chiến với các tầu Bắc Việt thay vì đổ biệt kích phá hoại. Nhưng không rõ vì tin tức tình báo không chính xác hay tầu địch lẩn tránh, không thấy tầu địch nghênh chiến.

- Ngày 27/7/64, hai PTF đang yểm trợ cho hai tầu Swift xét ghe tại một địa điểm ngoài khơi Vinh Sơn thì tầu Swatow địch xuất hiện, có lẽ xuất phát từ căn cứ Quảng Khê ở cửa sông Giang. Đã được chỉ thị đề phòng tầu địch tấn công bất ngờ từ trước, các PTF hộ tống các tầu Swift tiến xa ra ngoài khơi rồi chuẩn bị nghênh chiến nhưng các Swatow Bắc Việt không giám đuổi theo. Vì mục đích chính của chuyến công tác là xét ghe chứ không phải chận đánh tầu địch nên các PTF cũng trở về căn cứ mà không tham chiến.

- Ngày 30/7/64, một toán 4 chiến đĩnh gồm các PTF-2, PTF-3, PTF-5 và PTF-6 lên đường công tác. Mục tiêu là đổ toán đổ bộ lên các đảo Hòn Niếu và Hòn Mê để đặt chất nổ phá hoại các vị trí quân sự. Hòn Mê nằm cách bờ chừng 12 cây số, vào khoảng vĩ độ 19 độ Bắc, ngoài khơi của Lạch Tray (Sầm Sơn). Hòn Niếu nằm xa hơn về phía Nam, ngoài khơi hải cảng Bến Thủy thuộc thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) cách bờ chỉ chừng 4 cây số.

Đây là một chuyến công tác rất gay go, nhiều nguy hiểm vì phải đổ bộ biệt kích sâu trong lòng địch với tin tức tình báo và không ảnh cho thấy tầu địch đang phục sẵn tại vùng mục tiêu. Do đó, thủy thủ đoàn các PTF tham dự chuyến công tác đều được đặc biệt tuyển chọn trong số những toán nhiều kinh nghiệm cũng như thiện chiến nhất.

Vào khoảng gần nửa đêm 30/7, lúc 2315H, các PTF đến điểm tập trung cuối cùng phía Đông Nam của Hòn Mê, tọa độ 19 độ Bắc, 106.16 độ Đông. Tại đây, toán chiến đĩnh chia làm 2 phân đội: phân đội Bắc gồm các PTF-3 và PTF-6 hướng về mục tiêu Hòn Mê và phân đội Nam gồm các PTF-5 và PTF-2 di chuyển tới mục tiêu Hòn Niếu.

Phân đội Bắc vùng mục tiêu là một địa điểm phía nam Hòn Mê vào hồi 0021H ngày 31/7. Hòn Mê tuy gọi là một hải đảo nhưng thật ra là một hòn núi lớn giữa biển với cây cối dầy đặc nên rất khó quan sát những hoạt động trên đảo, nhất là vào ban đêm. Trên đỉnh Hòn Mê với cao độ chừng 500 thước trên mặt biển, Bắc Việt đặt một giàn hải pháo duyên phòng có thể bắn tới các mục tiêu trên biển cách xa chừng 15 hải lý.

Hai chiến đĩnh thận trọng tiến vào mục tiêu theo đúng đội hình đổ bộ, một chiếc canh phòng phía ngoài, chiếc kia chở toán tới điểm đổ bộ cách bờ chừng 2,000 thước. Toán đổ bộ dự trù sẽ đặt chất nổ phá hoại một tháp canh và các cơ sở quân sự trên đảo. Trong lúc toán đổ bộ đang chuẩn bị thả xuồng cao su, thủy thủ đoàn dùng ống nhòm quan sát thấy một chiếc Swatow của địch đang nằm sát trong bờ. Cùng lúc đó, tầu địch khai hỏa trước bằng đại bác 37 ly và thượng liên. Tuy bị tấn công trước nhưng các PTF phản pháo hữu hiệu làm im tiếng súng địch chỉ sau vài phút giao tranh. Sự hiện diện của tầu địch tại Hòn Mê không làm thủy thủ đoàn các PTF ngạc nhiên vì điều này chỉ xác nhận những tin tức tình báo từ trước.

Vì đã bị lộ nên cuộc đổ bộ bắt buộc phải hủy bỏ, các PTF chuyển sang kế hoạch dự phòng là bắn phá các mục tiêu trên bờ bằng hải pháo cơ hữu 40 ly, 20 ly, 81 ly trực xạ và súng 57 ly không giật của toán đổ bộ tăng cường. Đây là cuộc bắn phá các mục tiêu trên bộ lần đầu tiên của các PTF trong khuôn khổ OPLAN 34A. Chỉ trong vòng khoảng 20 phút, hỏa lực dữ dội của hai PTF-3 và PTF-6 đã hoàn toàn phá hủy các mục tiêu chỉ định cùng nhiều ổ súng đại liên. Hoàn tất công tác, hai chiến đĩnh rời vùng vào hồi 0048H. Sau này, theo tin tình báo của Hoa Kỳ, một tầu Swatow mang số T-142 đến tăng cường toán phòng thủ Hòn Mê cố gắng theo dõi hoạt động của toán PTF nhưng không giám tham chiến. Tài liệu kiểm thính của Hoa Kỳ ghi nhận thuyền trưởng chiếc T-142 báo cáo về bộ chỉ huy viện cớ vận tốc của các PTF quá cao nên theo không kịp nên phải bỏ cuộc. Có lẽ vì chiếc Swatow này ẩn trốn trong bờ nên các PTF không phát hiện được.

Cùng lúc với các hoạt động diễn ra sôi nổi tại Hòn Mê, hồi 0037H, các PTF thuộc phân đội Nam cũng tiến vào mục tiêu là một đài truyền tin trên đảo Hòn Niếu, chỉ cách mục tiêu chừng 800 thước. Nhưng có lẽ vì được đồng bọn tại Hòn Mê báo động trước nên toán phòng thủ Hòn Niếu chuẩn bị phản ứng. Thấy cuộc đổ bộ bất lợi, sĩ quan trưởng toán phân đội Nam quyết định hủy bỏ cuộc đổ bộ, thay vào đó điều động bắn phá mục tiêu bằng hải pháo trên PTF. Vì mục tiêu quá rõ ràng và tương đối gần, đài truyền tin địch bị phá hủy chỉ trong vài loạt đạn đầu tiên. Sau đó, các PTF chuyển xạ qua các mục tiêu phụ như những cơ sở quân sự vá vị trí phòng thủ. Sau hơn nửa giờ bắn phá không còn thấy địch bắn trả, các PTF-2 và PTF-5 rời vùng hành quân trở về căn cứ.

Phân đội Bắc về tới căn cứ Đà Nẵng vào khoảng 10 giờ sáng ngày 31/7. Phân đội Nam về hơi trễ hơn, khoảng 11 giờ sáng vì PTF-2 bị trục trặc máy móc sau một cuộc hành trình khá xa.

- Chiều ngày 3/7, bốn chiến đĩnh gồm PTF-1, PTF-2, PTF-5 và PTF-6 rời căn cứ Đà Nẵng lên đường công tác. Mục đích là bắn phá các mục tiêu dọc duyên hải Bắc Việt tại Mũi Vinh Sơn và Cửa Ron gần thành phố Vinh, phía Bắc vĩ tuyến 17 chừng 70 hải lý.

PTF-2 vì trục trặc máy móc giống như chuyến công tác kỳ trước nên phải quay trở về. Tới khoảng 2300G, các PTF-1 và PTF-5 dùng hải pháo bắn vào mục tiêu là đài radar Vinh Sơn trong vòng 20 phút. Chiếc PTF-6 còn lại một mình hoạt động tại cửa sông Gianh, bắn phá các mục tiêu trên bờ và một nhóm ngư lôi đĩnh Bắc Việt tại cầu tầu căn cứ Hải Quân Quảng Khê. Một chiến đĩnh Bắc Việt rời bến đuổi theo PTF-6 nhưng sau chừng 40 phút phải quay trở lại vì không theo kịp. Sau khi hoàn tất công tác, các PTF về Đà Nẵng an toàn.

Trong cuộc tấn công vào Hòn Ngự và Hòn Mê vào đêm 30 rạng 31/7, Bắc Việt không cho rằng chiến hạm Mađox đã tham dự, nhưng trong cuộc bắn phá đêm 3 rạng 4/8, Bắc Việt ghi rõ rằng lực lượng tấn công gồm 4 PTF từ Đà Nẵng và 2 Khu Trục Hạm Hoa Kỳ. Một trong những lý do khiến Bắc Việt không nắm vững được số chiến đĩnh tham chiến vì đài radar Vinh Sơn đã bị các PTF bắn hư hại năng không còn hoạt động được.